Việt Nam: Nhiều hoạt động xúc tiến xây dựng Thương hiệu gạo quốc gia

Ngày đăng: 02:39 PM 04/07/2024 - Lượt xem: 909

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu gạo đi trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đối thủ cạnh tranh gạo của Việt nam là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Qua đó, giúp gạo Việt Nam xuất khẩu với giá trị cao, có thương hiệu trên thị trường thế giới và hỗ trợ cho các thương hiệu của doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường thế giới.

Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay của Việt Nam

 

Thương hiệu gạo quốc gia: Chỉ chọn ST25 hay cùng nhiều gạo khác nữa?

Ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của "gạo ngon nhất thế giới" (giống ST25) - cho biết Thái Lan đã làm thương hiệu quốc gia từ năm 1998. Đến nay họ đã nâng cấp, sửa đổi "phiên bản" đến sáu, bảy lần và mỗi lần sửa thì nâng cấp thành một quy chuẩn khắt khe hơn, chặt chẽ hơn.

"Dưới bóng" thương hiệu quốc gia, họ xây dựng những quy chuẩn, doanh nghiệp nào đáp ứng được thì được xài thương hiệu quốc gia.

Thái Lan họ có phân hạng. Họ lấy gạo Hom Mali là gạo thơm quốc gia, cấp dưới hơn thì gọi là gạo thơm. Hai cấp này thể hiện hai giá trị khác hẳn nhau. Một cái tầm giá 1 USD/kg, còn một cái chừng 50-60 cent/kg. Nếu chúng ta không có một sự phân biệt thì sẽ là hàng ngang tiến lên.

Ông Cua cũng cho rằng việc xây dựng thương hiệu quốc gia thì phải do cơ quan quản lý nhà nước chủ trì, không giao cho các hiệp hội ngành hàng vì "ai cũng giành sản phẩm của mình thì lại dàn hàng ngang nữa".

Bà Tô Thị Tường Lan - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng Việt Nam có ba sản phẩm có thể làm thí điểm về thương hiệu quốc gia là gạo, cà phê và thủy sản, vì đây là ba sản phẩm "đạt mức độ độc đáo trên thế giới".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng cần có nghị định về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý. Ông Nam cho rằng về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản nên có nghị định mới đủ cơ sở pháp lý để quản lý, còn nếu chỉ làm ở quy mô đề án thì không đủ.

"Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cùng các đơn vị liên quan bàn thêm việc ban hành nghị định thì có vướng gì không để bộ đề xuất với Chính phủ xây dựng nghị định về vấn đề này", ông Nam nói.

 

Nông dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu

 

Chung tay xây dựng thương hiệu gạo

Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan song theo đánh giá của Bộ Công thương, quy mô sản xuất lúa gạo trong nước hiện vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường. Đây cũng là một nhân tố khó đoán định.

Trước những nhân tố trên, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững. Đó chính là bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu đó, cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội, giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.

Bộ Công thương tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường Gạo năm 2024

 

Doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính.

Muốn làm dự án lớn, trồng lúa trên diện tích 10.000ha đất là không dễ khi đồng ruộng phân mảnh. Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình.

Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Công ty Hải Vân cho biết: “ Công ty chúng tôi có đơn hàng đối tác đặt mua mỗi tháng 20 – 30 Container/tháng loại gạo ST 25 đạt tiêu chuẩn Organic” nhưng tìm loại gạo đạt tiêu chuẩn organic số lượng như vấy rất khó!

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần thiết lập Chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành gạo cần đồng loạt vào cuộc, cùng nhau đầu tư về hình ảnh và marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam; đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn...

Ngoài ra, để xây dựng thương hiệu gạo Việt cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

                                                                                                    Vũ Hà

 

 
Facebook