DỊCH COVID-19 NHÌN LẠI MỘT SỐ KHÓ KHĂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VÀ HỢP TÁC XÃ.
Cuộc chiến với dịch COVID-19 đang bước vào giai khó khăn và thách thức hơn khi nó ở cấp độ toàn cầu. Kinh tế bị ảnh hưởng, mọi mặt của đời sống - xã hội bị tác động. Nhưng dịch COVID-19 cũng chính là “phép thử” để khẳng định bản lĩnh lãnh đạo, điều hành của Chính quyền địa phương và tinh thần kiên cường, vượt khó trong phát triển kinh tế của các Doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thách thức luôn có cơ hội để thay đổi và phát triển. Qua đó các doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng Công nghệ 4.0 triệt để trong điều hành, quản lý và bán hàng đó chính là một “chuyển mình”, đổi mới...

Qua một thời gian bị ảnh hưởng bởi Dịch COVID-19 – các doanh nghiệp và các Hợp tác xã có thời gian để nhìn lại tổng thể bước đi của mình trong từng lĩnh vực, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn cần được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước.
1. Chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm:
Đối với việc tạo thành chuỗi liên kết gặp một số khó khăn như các diện tích sản xuất nông nghiệp của nông dân thường nhỏ lẻ, manh mún, ý thức trong sản xuất chưa cao các doanh nghiệp, HTX liên kết rất khó kiểm soát về quy trình sản xuất của các hộ liên kết dẫn đến chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Hầu hết bà con nông dân không tìm hiểu nhu cầu thị trường cần gì, các hộ nông dân chủ yếu đang làm ra cái mình có, chưa làm được cái thị trường cần… năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập giảm, giá đầu vào cao nhưng giá đầu ra thấp.
Thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, nhưng hầu hết các hộ nông dân chưa làm được, chính vì vậy rất cần các doanh nghiệp, HTX làm đầu mối.

- Về tiêu thụ các sản phẩm OCOP:
Chương trình mỗi xã một sản phẩm được thúc đẩy và phát triển sâu rộng, qua đó đã ý thức được các hộ nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX ý thức được trong khâu nâng cao giá trị cho sản phẩm thông qua chế biến sâu, tuy nhiên, quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm được ra đời nhưng chưa tạo dấu ấn xuất sắc cho sản phẩm, việc quảng bá xúc tiến thương mại cho sản phẩm trong mùa Covid-19 bị hạn chế dẫn đến hàng hóa không lưu thông được, thời điểm dịch thì người dân chủ yếu tập trung hàng thiết yếu, các sản phẩm mang tính thưởng thức khó tiêu thụ.
Các sản phẩm OCOP xuất khẩu đi các thị trường Quốc tế chưa nhiều.

- Việc tiếp cận các chính sách:
Hiện tại có rất nhiều cơ chế, chính sách cho loại hình kinh tế tập thể HTX, tuy nhiên các HTX rất khó tiếp cận, đặc biệt là các nguồn vốn ưu đãi.
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh là cơ hội tiếp cận cho các HTX nhưng nguồn quỹ này ít cho nên tỷ lệ cho vay cũng thấp.
Chương trình hỗ trợ khuyến công máy móc, thiết bị đối với tỉnh Kon Tum hỗ trợ quá thấp các chủ thể được hỗ trợ 30%, HTX đối ứng 70% mức độ hỗ trợ quá thấp, trừ các chi phí sau khi nhận về không được bao nhiêu.

- Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho HTX:
Nguồn nhân lực HTX (đội ngũ Giám đốc) là vai trò quyết định sự thành công trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển HTX kiểu mới hiện nay.
Việc bồi dưỡng, tập huấn chỉ được tổ chức ngắn ngày chưa thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động cho HTX.
Đội ngũ cán bộ của một số HTX đã lớn tuổi việc tiếp cận công nghệ thông tin bị hạn chế, một số HTX thiếu cán bộ trẻ kế thừa, hoặc không có kinh phí để chi phí các hoạt động trong quá trình vận hành ban đầu của HTX.
Việc thu hút cán bộ trẻ có trình độ Đại học, cao đẳng vào làm việc cho HTX theo Thông tư 340/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính còn rất ít;

- Công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
Việc xác định doanh nghiệp công nghệ cao hiện nay thì đối với HTX về cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg, ngày 15/6/2015 về quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, nhưng hiện nay cụm từ Hợp tác xã, có lúc, có nơi, có một số cơ quan vẫn xem như một doanh nghiệp, tuy nhiên chưa có văn bản chính thức hưỡng dẫn Hợp tác xã là doanh nghiệp.

Bởi vì mục đích của HTX là tổ chức được thành lập ra để “hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên”, (Luật HTX 2012) không vì mục tiêu sinh lợi, do đó không thể coi HTX là doanh nghiệp được”. như vậy khi đi vào thực tiễn một số văn bản không đề cập đến cụm từ HTX, từ đó HTX sẽ không được tiếp cận các nguồn ưu đãi như doanh nghiệp và đồng thời cũng không được đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg, ngày 15/6/2015 về quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Do vậy, không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo quyết định này.
-Vũ Hà-